Sử dụng tranh biếm họa trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông

Tranh biếm họa và ý nghĩa của nó đối với dạy học Lịch sử

Tranh biếm họa là loại tranh chế giễu, đả kích một đối tượng trên cơ sở phóng đại một hay một số đặc điểm của đối tượng đó. Loại tranh này có khả năng khơi gợi trí tưởng tượng, tăng sự tập trung và phát triển óc quan sát cho người xem để có thể giải mã ý nghĩa của bức tranh.

Lịch sử vốn được coi là môn học “khô khan” với nhiều con số gắn với các mốc sự kiện. Việc sử dụng tranh biếm họa sẽ truyền cảm hứng, kích thích hứng thú học tập cho người học khi quan sát, giải mã bức tranh cũng như hiểu sâu, nắm chắc ý nghĩa của tranh, qua đó hiểu được ý nghĩa bài học.

Nội dung và phương pháp dạy học Lịch sử ở trường phổ thông bằng tranh biếm họa

Môn Lịch sử trong trường phổ thông gồm hai nội dung chính là lịch sử thế giớilịch sử Việt Nam. Tương ứng với các nội dung này có các chùm tranh biếm họa như: Người Ai Cập cổ đại xây dựng Kim Tự Tháp, Archimedes, Mĩ với cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 – 1975), quân đội Hoa Kì...

Khi giới thiệu các bức tranh này, điều quan trọng nhất là giúp cho học sinh nắm bắt được nội dung của tranh thông qua các câu hỏi gợi ý của giáo viên, của sách. Các câu hỏi với mức độ khó, chi tiết tăng dần sẽ giúp học sinh hiểu và ghi nhớ nội dung, ý nghĩa của bức tranh. Việc ghi nhớ bức tranh liên quan đến các sự kiện, các bài học lịch sử chính là cách nhanh nhất để học sinh nắm được kiến thức lịch sử một cách tự nhiên và hứng thú nhất.

Sử dụng tranh biếm họa trong dạy học Lịch sử theo chủ đề và kiểm tra, đánh giá

Dạy học theo chủ đề là xu thế chung của giáo dục thế giới, trong đó có dạy học môn Lịch sử. Cuốn sách hướng dẫn giáo viên và học sinh cách dạy – học Lịch sử theo một số chủ đề (chẳng hạn: Những bước đi đầu tiên của loài người) bằng cách kết hợp sử dụng tranh biếm họa với các hình thức câu hỏi trắc nghiệm, kẻ bảng thời gian và sự kiện lịch sử tương ứng... Kiến thức lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam đều được phân chia theo các chủ đề, giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ, hiểu bài sâu hơn, quan trọng nhất là có hứng thú với việc học môn Lịch sử. Cùng với đó, kiểm tra, đánh giá được coi là sự “đột phá” của đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới dạy học Lịch sử nói riêng. Nội dung kiểm tra, đánh giá giúp học sinh tự kiểm nghiệm khả năng, năng lực của mình ở môn học cũng như cung cấp thêm một công cụ hỗ trợ giáo viên và phụ huynh trong đánh giá hiệu quả học tập của học sinh.

Cuốn sách là hành trang không thể thiếu để học Lịch sử hiệu quả trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay – tích hợp kho dữ liệu hình ảnh vô tận để người dùng truy cập, sử dụng phục vụ học tập hiệu quả hơn bao giờ hết.

Dạy học Lịch sử bằng tranh biếm hoạ ở trường phổ thông